Tin tức - sự kiện

Điện mặt trời áp mái tăng gấp đôi công suất 6 tháng đầu năm

09/07/2020

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, rất ít quốc gia trên thế giới có thể phát triển năng lượng tái tạo nhanh như Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời áp mái” của Bộ Công Thương sáng 9/7, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam là rất lớn.

Tăng 20 MWp công suất chỉ trong 1 tuần

Cụ thể, tổng công suất điện mặt trời mái nhà trong tháng 1 là gần 429 MWp, nhưng đến hết tháng 6 đã đạt gần 764 MWp, tăng gần 1,8 lần, trong đó đặc biệt tăng mạnh vào 2 tháng gần nhất.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 8 ngày đầu tiên của tháng 7, chỉ số này tăng thêm gần 20 MWp, nâng tổng công suất điện mặt trời áp mái trên cả nước đạt khoảng 782 MWp. Đến nay, có 37.300 hộ gia đình và doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Theo tính toán của ông Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, các dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà quy mô hộ gia đình và quy mô trung bình có thể hoàn vốn sau 5-7 năm, với tỷ suất hoàn vốn có thể đạt 15% trong 5 năm đầu tiên, nếu sử dụng 30-35% nguồn điện năng có được, còn lại bán cho EVN.

Đến nay, có 37.300 hộ gia đình và doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, rất ít quốc gia trên thế giới có thể phát triển năng lượng tái tạo nhanh như Việt Nam. Những kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2024.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (thuộc Bộ Công Thương), lượng điện thiếu hụt sẽ tăng từ 400 triệu kWh năm 2021 lên cao nhất đến 13,3 tỷ kWh năm 2023.

Rà soát cơ cấu nguồn và định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho thấy tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn hiện nay chiếm khoảng 10%, có thể tăng lên mức 22-28% năm 2030. Lúc đó, hệ thống có thể có khoảng 18.000 MW điện gió và 25.000 MW điện mặt trời.

Tuy nhiên, ông Võ Quang Lâm cho hay, việc phát triển điện mặt trời áp mái hiện còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí thiết bị và lắp đặt còn cao, chưa khuyến khích hộ gia đình đầu tư, lắp đặt, đồng thời chưa có quy định về xin giấy phép xây dựng và tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, do đặc thù điện mặt trời cần thời tiết và vị trí địa lý phù hợp, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung tại một số khu vực, dẫn đến khả năng giải tỏa công suất bị hạn chế.

Do đó, ông kiến nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chuẩn điện mặt trời áp mái, đồng thời có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu.

Điện mặt trời mái nhà đi đôi với tăng trưởng bất động sản

Nhằm thúc đẩy nguồn điện năng tái tạo này, ông Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng cần tận dụng tối đa sự phát triển bất động sản.

“Nếu gắn điện mặt trời áp mái vào sự phát triển bất động sản thì vừa đáp ứng được nhu cầu điện, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, vị chuyên gia khẳng định.

Cụ thể, ông đề xuất đưa ra tiêu chuẩn mã năng lượng với các tòa nhà và đặt chỉ tiêu điện năng lượng tái tạo cho các dự án khu đô thị, chung cư, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới.

Tại Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết rất kỳ vọng vào sự phát triển của các dự án điện mặt trời áp mái. Hiện địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi và trồng trọt, mỗi trang trại có diện tích khoảng 10 ha. Tỉnh đồng thời có sẵn 12.000 ha đất công nghiệp, dự kiến tăng thêm 5.000 ha sau 5 năm.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đây là những nguồn tài nguyên quan trọng để đẩy mạnh lắp đặt điện mặt trời mái nhà, nhưng hiện còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận còn khoảng trống trong chính sách với dự án điện mặt trời áp mái quy mô lớn. Ảnh: Báo Công Thương.

Quy định hiện còn khắt khe nhằm hạn chế các tình trạng lách luật, trục lợi chính sách, nhưng vô tình gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Do đó, ông cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại hội thảo, từ đó rà soát và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, tạo tiền đề phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững.Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thừa nhận đây là khoảng trống trong chính sách về điện mặt trời áp mái hiện nay. Các dự án đầu tư quy mô lớn, tiêu biểu là điện mái nhà công nghiệp và trang trại nông nghiệp công nghệ cao, hiện còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý.

 

Nguồn: Zing

TIN LIÊN QUAN

15/06/2024
TH VTV1 ĐƯA TIN VỀ MẠNG LƯỚI ĐỔI PIN THÔNG MINH CHO XE ĐIỆN EVGO

Nhằm cung cấp cho khách hàng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiện lợi cho người sử dụng xe điện EVGO, ngày 14/6/2024, Tập đoàn Sơn Hà đã hợp tác với Công ty CP phương tiện điện thông minh SELEX Motor trong việc “Ứng dụng pin hoán đổi và phát triển mạng lưới đổi pin […]

Xem thêm
08/11/2024
SƠN HÀ MANG GÌ TỚI TRIỂN LÃM VIETWATER 2024?

Từ ngày 6 – 8/11/2024, Tập đoàn Sơn Hà tham gia trưng bày sản phẩm tại Triển lãm và Hội thảo về ngành Cấp thoát nước, Công nghệ lọc nước và Xử lý nước thải Việt Nam (Vietwater 2024) được tổ chức ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC, TP. Hồ Chí […]

Xem thêm
28/10/2024
LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN ĐẢNG BỘ CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ SƠN HÀ

Sáng ngày 25/10/2024, tại Văn phòng Diễn, Đảng bộ Công ty CPQT Sơn Hà đã tổ chức Lễ Kết nạp Đảng viên mới & Lễ trao quyết định công nhận Đảng viên chính thức của Chi bộ Văn phòng và Chi bộ Nhà máy Phùng trực thuộc Đảng bộ công ty. Tham dự buổi lễ, […]

Xem thêm
14/10/2024
KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC GIỮA TẬP ĐOÀN SƠN HÀ VÀ HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

Ngày 14/10/2024, Tập đoàn Sơn Hà đã tham dự lễ ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nhân sự đồng thời trao học bổng cho sinh viên xuất sắc của Học viện Tài chính. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình tổng kết năm học 2023 – 2024 và chào mừng CQ62 khoa […]

Xem thêm