Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 Tập đoàn Sơn Hà
Sáng ngày 18/6/2020, Tập đoàn Sơn Hà tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 thông qua một số nội dung quan trọng với tỷ lệ nhất trí cao.
Vững vàng kinh doanh trước đại dịch Covid-19
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, các cổ đông đã thông qua toàn bộ các nội dung báo cáo, tờ trình quan trọng.
Theo báo cáo của HĐQT, năm 2020, Tập đoàn Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 88 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn tương ứng đạt 4,807,1 tỷ đồng và 98,90 tỷ đồng; chia cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10%, trong đó 5% mệnh giá bằng tiền, 5% bằng cổ phiếu.
Như vậy, so với năm 2019, mặc dù lợi nhuận kế hoạch năm 2020 của Sơn Hà có sụt giảm, nhưng tỷ lệ không lớn nếu xét trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế trong nửa đầu năm nay.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 Tập đoàn Sơn Hà
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, việc duy trì kế hoạch kinh doanh ít biến động so với năm 2019 trong bối cảnh đại dịch như hiện nay cho thấy quá trình tái cấu trúc toàn diện toàn Tập đoàn Sơn Hà đã mang lại thành công ban đầu. Dịch Covid-19 dù có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh tháng 3, 4/2020, nhưng đã sớm được khôi phục trở lại từ đầu tháng 5/2020.
“Việc Hội đồng quản trị tiếp tục trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như thời gian vừa qua và Tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư mở rộng nhiều mảng kinh doanh mới… cho thấy Sơn Hà vẫn đang quản lý rất tốt tình hình tài chính. Đây là nỗ lực của Ban điều hành, Hội đồng quản trị về việc chia sẻ khó khăn với cổ đông trong bối cảnh hiện nay”, ông Sơn nói.
Năm 2020: năm bản lề cho tăng trưởng đột phát
Báo cáo trước cổ đông, Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn đã đưa ra một số hoạt động cần tập trung chỉ đạo trong năm 2020, gồm: Tiếp tục kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn theo mô hình mới; Xây dựng và thực hiện đề án tái cấu trúc giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; Kiện toàn hoạt động của HĐQT, Ban TGĐ, hệ thống kiểm soát nội bộ… theo một hệ thống quản trị mới, hiện đại, phù hợp với mô hình hoạt động của Công ty; Đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý; Đầu tư công nghệ thông tin, dây truyền máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao quản trị rủi ro về pháp lý, kiểm soát nội bộ.
Theo ông Sơn, việc tái cấu trúc này sẽ tạo ra một nền tảng vững mạnh cho Sơn Hà bước vào giai đoạn phát triển mới, với kỳ vọng bứt phá trong các giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh các mảng sản phẩm cốt lõi truyền thống đã tạo được vị thế trên thị trường, Tập đoàn cũng xác định đẩy mạnh các sản phẩm mới trong nhóm ngành hàng gia dụng; đồng thời phát triển các ngành mới như Nước (bao gồm sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải…); Năng lượng tái tạo với sản phẩm điện mặt trời áp mái Free Solar (rooftop) và Hạ tầng công nghiệp – bất động sản.
Trước câu hỏi của cổ đông về phát triển ngành nước và năng lượng tái tạo, ông Nhữ Văn Hoan, Phó TGĐ thường trực Sơn Hà cho biết, Sơn Hà đã tái cấu trúc lại các ngành hàng trọng điểm, phân ra thành 6 ngành chính. Đối với ngành nước, mới đây, Sơn Hà đã M&A Công ty cổ phần nước tại Lạng Sơn, năm 2020 dự kiến đóng góp khoảng 200 tỷ doanh thu từ nước.
Bổ sung thêm, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, cuối năm 2020 và những năm sau sẽ ghi nhận doanh thu tốt từ mảng nước.
Với ngành năng lượng tái tạo, Sơn Hà đã chuẩn bị 2 năm, ở thời điểm này, các đơn hàng từ nhà dân khá nhiều, mỗi ngày có hàng trăm khách quan tâm và hàng chục khách hàng yêu cầu đến thiết kế, đo đạc và đặt hàng mua. “Sơn Hà đang làm không kịp và đây cũng là thách thức đối với Sơn Hà về việc phục vụ đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hai ngành nước và năng lượng đối với các ngân hàng đều rất quan tâm và cam kết sẽ tài trợ tối đa nếu Sơn Hà yêu cầu về vốn, Sơn Hà xem xét tăng vốn trên nguyên tắc đảm bảo tài chính cho Sơn Hà.
Đối với mảng xe điện và pin, SHE – công ty thành viên của Tập đoàn Sơn Hà đã triển khai ngành này và đến nay bắt đầu ở những giai đoạn đầu tiên, hợp tác với BOSCH (Đức) và Anh, lên kế hoạch hợp tác sản xuất xe máy xuất vào thị trường Âu Mỹ. Nhà máy lắp ráp xe máy điện SHE đã cơ bản hoàn thành và đang thử nghiệm lắp ráp. Mẫu xe đang được chạy thử xuyên Việt và giới thiệu với các nhà phân phối; chuẩn bị làm lễ ra mắt sản phẩm vào tháng 8, tháng 9.
Chia sẻ về việc đầu tư mảng Bất động sản Khu công nghiệp, ông Sơn cho biết Sơn Hà đã tính toán trước đó về làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI và hiện có 3 dự án ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Về lo ngại việc nhiều doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào khu công nghiệp dẫn đến thừa cung, ông Sơn cho rằng nếu lúc này mới đi làm thì sẽ gặp phải tình trạng dư thừa cung. Tuy nhiên, Sơn Hà đã chuẩn bị từ 3 năm trước và khu đầu tiên ở Vĩnh Phúc đã gần như xong về pháp lý và chuẩn bị giải phóng mặt bằng. Dự án ở Hà Nội, Quảng Ninh cũng đang có tiến triển tốt. Khách hàng của Sơn Hà cũng có sẵn, chỉ chờ thực hiện xong dự án là hoạt động. Sơn Hà hiện nay đang có tham vọng tìm kiếm thêm nhiều khu công nghiệp, nhưng cũng sẽ thận trọng, tránh cảm xúc đầu tư ồ ạt, không hiệu quả.
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn chúc mừng các thành viên mới gia nhập HĐQT
Tại cuộc họp lần này, Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Sơn Hà cũng thực hiện miễn nhiệm/bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị; thông qua việc sửa đổi Điều lệ Công ty theo hướng hoạt động theo mô hình mới là Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị thay cho mô hình cũ sử dụng Ban Kiểm soát.
Cụ thể, Đại hội thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập với ông Phan Thế Ruệ, ông Vi Công Khanh; đồng thời thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Lê Hoàng Hà.
Dựa trên kết quả bầu cử với tỷ lệ nhất trí cao, ông Nhữ Văn Hoan đã chính thức trở thành tân ủy viên HĐQT Tập đoàn Sơn Hà trong giai đoạn tiếp theo. Ông Hoan hiện đang giữ vị trí Phó TGĐ thường trực Tập đoàn. Bên cạnh đó, Đại hội cũng bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Nguyễn Văn Dũng và ông Kiều Đức Lâm.